Lượt xem: 236
Long Phú tam nông phát triển
      Điều kiện sản xuất và đi lại ngày càng thuận lợi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng đổi mới trên các mặt là những minh chứng cụ thể cho kết quả thực hiện Nghị quyết 26/NQ – TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trên địa bàn huyện.

      Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nên thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương trong huyện đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cùng với tập trung chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh phù hợp với từng địa bàn. Theo đó, ngành chức năng của huyện dần định hướng các xã, thị trấn đầu nguồn của huyện như: Trường Khánh, Hậu Thạnh, Long Đức, Song Phụng, Phú Hữu, Tân Thạnh và thị trấn Long Phú … tập trung chuyên canh cây ăn trái, ước diện tích cây lâu năm của huyện là 4.128ha, trong đó, diện tích cây ăn trái là 2.272ha, tăng gần 100% so với năm 2010. Với một số loại trái cây đặc trưng của huyện như: Nhãn, xoài, chanh, cam, bưởi, thanh long, quýt … Bên cạnh tăng diện tích thì ngành chức năng và người dân còn liên kết với nhiều đơn vị thu mua để đảm bảo đầu ra ổn định. Đặc biệt, nhờ bà con áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm như: VietGAP và GlobalGAP nên hiện có nhiều loại trái cây đạt chuẩn OCOP, từ đó góp phần nâng cao giá trị và quảng bá hình ảnh trái cây của huyện. Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc hợp tác xã bưởi da xanh, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, thông tin: Nắm bắt nhu cầu thị trường xuất khẩu trái cây sang nước ngoài, nên hợp tác chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm, hiện nay hợp tác xã bưởi da xanh xã Phú Hữu đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn 04 sao (sản phẩm OCOP) đơn vị đã liên kết sản xuất và thu mua trái cây của các thành viên và người dân, nhất là sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, do đó giá cả nông sản và đầu ra luôn ổn định, các thành viên an tâm sản xuất, lợi nhuận ngày càng tăng cao.

 Chú thích ảnh: Nông dân cấy lúa bằng máy

      Bên cạnh cây ăn trái thì cây trồng chủ lực của huyện là lúa cũng có nhiều bước phát triển vượt bậc, nhất là phương thức canh tác. Minh chứng là vào những năm đầu thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW thì đa phần người dân trong huyện còn sản xuất manh mún và việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu canh tác, cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, qua thời gian nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là huyện triển khai Đề án cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ cho nông dân mua trên 10 máy cắt lúa. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tổ chức, người dân trên địa bàn huyện còn tự đầu tư mua thêm máy gặt đập liên hợp để đáp ứng nhu cầu cắt lúa cho nông dân, đáp ứng gần 100% diện tích thu hoạch lúa của huyện. Cùng với máy cắt lúa, thì hiện tỷ lệ người dân trong huyện áp dụng cơ giới hóa trong làm đất để thay thế sức người, sức động vật chiếm 100%. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có gần 10% nông dân sử dụng máy cấy lúa. Chia sẻ sự đổi thay trong canh tác lúa, ông Liêng Sinh, nông dân ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, thông tin: “Trước năm 2012, thì máy cắt lúa xuất hiện trên đồng rất ít, còn hiện nay thì gần như máy cắt đã thay thế sức người để thu hoạch lúa. Từ khi có máy cắt lúa thì nhà nông khỏe hẳn ra. Bởi trước đây, khi còn cắt lúa bằng thủ công thì phải đội lên đầu từng bó lúa để gom lại thành đống rồi mới suốt. Giờ chỉ đứng nhìn máy cắt, rồi sau đó vô bãi xem cân lúa, gom bao, tính tiền là đi về. Cùng với máy cắt lúa là việc nông dân tiếp cận mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất từ chương trình VnSAT, nên giúp bà con giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận đáng kể so với trước đây”. Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện long Phú cho hay: Tăng trưởng sản xuất lúa trong những năm qua của huyện được thể hiện qua việc tăng diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng. Tính theo năm lương thực, toàn huyện xuống giống được hơn 34.447ha, trong đó, diện tích lúa đặc sản hơn 20.331ha, chiếm trên 59% diện tích xuống giống, năng suất bình quân đạt 6,03 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 207.286 tấn, ước sản lượng lúa đặc sản là 122.599 tấn. Mặt khác, nhằm phát huy hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất, hiện Long Phú đã hình thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, vùng cây ăn trái đặc sản và nuôi thủy sản tập trung.

     Cùng với sự đổi thay trong sản xuất, thì bức tranh nông thôn của huyện cũng ngày càng khởi sắc trên các mặt thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ nông thôn và đô thị hóa như: Điện, đường, trường, trạm đã và đang được đầu tư khá đồng bộ. Điển hình về giao thông, để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân, huyện đã xây dựng mới đường nhựa và bê tông, đồng thời nâng cấp, sửa chữa đường, cầu … Hiện nay, toàn huyện có 09/09 xã có đường ô tô đến trung tâm và 100% ấp có đường xe hai bánh đi lại được thuận lợi trong hai mùa mưa nắng. Về thủy lợi, các công trình được xây dựng và củng cố đã góp phần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, phục vụ tưới tiêu, chống hạn, lũ và ngăn mặn hiệu quả. Đồng chí Lý Văn Kế, Bí thư Đảng ủy xã Trường Khánh, chia sẻ: “Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết tam nông đến nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã thay đổi vượt bậc trên các mặt. Điển hình là nông dân từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự túc đã chuyển sang tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể. Ngoài ra, bà con còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Từ một địa phương được Chính phủ công nhận là xã đặc biệt khó khăn, thế nhưng với sự quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp và sự chung sức của người dân, đến năm 2015, xã Trường Khánh, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong niềm phấn khởi của Nhân dân và đang hướng đến đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao”.

     Lãnh đạo huyện Long Phú đánh giá, những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết tam nông thời gian qua của huyện là rất khả quan, nhưng vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của huyện. Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành và địa phương trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, ưu tiên mở rộng, nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp thu hút nhiều lao động nông thôn và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Mặt khác, tập trung đầu tư hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ xã nông thôn mới đạt 100% và huyện hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

                                                                                             Bài và ảnh: Sóc Ca. 

 
TIN KHÁC

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 313
  • Trong tuần: 10 709
  • Tất cả: 1865067
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN LONG PHÚ - TỈNH SÓC TRĂNG                               
                    Địa Chỉ: Ấp 4 Thị trấn Long Phú, Huyện Long Phú, Tỉnh Sóc Trăn
                       Điện Thoại: 02993.857.430  Fax: 02993.857.430 . Email: vanphong.huyenlp@soctrang.gov.vn




    Người chịu trách nhiệm nội dung:.........................................................   
      Ghi Rõ Nguồn "UBND HUYỆN LONG PHÚ" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.